Quảng Ninh “Mỗi xã, phường một sản phẩm” góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

 693 lượt xem
Quảng Ninh sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số chỉ tiêu đạt và đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước. Đây là thành công của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân trong triển khai thực hiện chương trình... được Trung ương, các bộ, ngành và nhiều địa phương đánh giá cao, là điển hình để các địa phương khác học tập và nhân rộng. 

Trong đó, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai sâu, rộng trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.
Đi lên từ xuất phát điểm thấp 
Bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là địa phương đầu tiên trên toàn quốc có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai đồng bộ. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phong trào "Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan”, Quảng Ninh nhận thấy đây là những chương trình phát triển kinh tế trọng tâm có thể ứng dụng và giải mã được cho các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. 
 
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh luôn được sự quan tâm của khách hàng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Từ đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Để triển khai Chương trình, tỉnh đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Chỉ đạo/Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; thiết kế, đăng ký được nhãn hiệu sở hữu trí tuệ OCOP và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ để làm cơ sở bảo hộ cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của chương trình. Tổ chức hội thi thiết kế nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp bao bì, đã có 46/300 tác phẩm dự thi đạt giải. Xây dựng và đưa vào hoạt động 29 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, chương trình xúc tiến thương mại OCOP được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, một số thị trường trọng điểm trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ thương mại. Riêng Hội chợ OCOP thường niên đã được tổ chức 2 kỳ tại thành phố Hạ Long vào dịp xuân và hè, giúp thiết lập thông tin thị trường hữu ích giữa hộ sản xuất và thị trường. 
Đột phá từ những khác biệt
Sở dĩ chương trình nông thôn mới ở Quảng Ninh có nhiều kết quả vượt trội, bởi Quảng Ninh có nhiều giải pháp sáng tạo về tuyên truyền, vận động, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cán bộ và đồng thuận của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, đặc biệt là người dân. Nhưng điều cốt lõi, là Quảng Ninh có giải pháp tạo đột phá về sản xuất và thu nhập từ những chương trình sáng tạo khác biệt.
Các sản phẩm OCOP đều nằm trong các nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia (tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến); nhóm sản phẩm lợi thế địa phương (hàu Thái Bình Dương, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, dược liệu ba kích, trà hoa vàng…) và nhóm đặc sản vùng miền (miến dong, gạo nếp, gạo thảo dược, hoa quả, các món ăn ngon, lạ…). Một số sản phẩm được thị trường ngoài nước đón nhận như: Rượu mơ Yên Tử, ngọc trai Hạ Long, gốm sứ Quang Vinh…
Đến nay, có gần 85% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đã được dán tem điện tử hoặc đã có mã số, mã vạch. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của sản phẩm OCOP, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 138/138 sản phẩm OCOP (sản phẩm đạt 3 sao trở lên) của 14 địa phương trong toàn tỉnh.
Năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm tham gia OCOP đạt 359.041 triệu đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận đạt 38.668 triệu đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017. Tạo công ăn việc làm cho 3.532 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các sản phẩm đều gia tăng về doanh thu, lợi nhuận. 
Từ hiệu quả của chương trình, Trung ương đã chỉ đạo làm điểm và nhân rộng ra toàn quốc thành Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đây là cơ sở để Trung ương đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, tạo sức bật mạnh mẽ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả), có 2 đơn vị (Uông Bí, Móng Cái) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đến hết năm 2019 có 90/111 xã đạt chuẩn và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020”.
                                                                                                                                                   Hoài Thanh


 

 
Ý kiến của bạn